Hành trình về nguồn tại Khu Căn cứ tỉnh ủy Bạc Liêu - chuyến đi nhiều ý nghĩa và cảm xúc của tập thể Quỹ Đầu tư phát triển Bạc Liêu

Cùng với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và đầy ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, toàn bộ người quản lý và người lao động tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bạc Liêu đã tham gia chuyến tham quan, về nguồn tại Khu căn cứ tỉnh ủy Bạc Liêu (Khu căn cứ Cái Chanh) tại ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Chuyến đi nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó của toàn thể nhân viên trong Quỹ.

7 giờ sáng ngày 04 tháng 3 năm 2023 tập thể người quản lý và người lao động Quỹ Đầu tư phát triển Bạc Liêu đều có mặt tại Quỹ bắt đầu hành trình về nguồn. Xe di chuyển từ trụ sở Quỹ đến đường Quốc lộ 1A, rồi quẹo vào đường Cầu Sập - Ngang Dừa đến trung tâm huyện Hồng Dân, tiếp tục di chuyển theo đường nông thôn liên xã. Càng gần đến khu căn cứ tính uỷ, cảm xúc của mọi người đều dâng lên khó tả. Mặc dù đường nhỏ, cầu yếu, xe lớn di chuyển khá vất vả nhưng ai cũng mong muốn được sớm đến nơi để được hồi tưởng lại lịch sử địa danh uy nghiêm, hào hùng của địa phương, của dân tộc. Đến 10 giờ 30 phút đoàn tham quan của Quỹ Đầu tư đã vào đến nơi.

Tập thể Quỹ ĐTPT Bạc Liêu chụp hình lưu niệm trước Khu di tích Căn cứ Cái Chanh

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, ngay khi đặt chân đến Khu căn cứ, đại diện lãnh đạo Quỹ đã thăm hỏi và tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Sau đó đoàn theo chân hướng dẫn viên đi tham quan, đồng thời nghe giới thiệu về lịch sử hào hùng gắn liền với Khu căn cử tính ủy Bạc Liêu.

 

Đoàn cán bộ Quỹ ĐTPT Bạc Liêu tặng quà cho các gia đình chính sách

Trong nửa đầu của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng ác liệt, cách mạng Việt Nam nói chung, tại Nam Bộ và Bạc Liêu nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng lớn, đòi hỏi từng vùng, từng khu vực, từng địa bàn phải có những cơ sở, căn cứ cách mạng bí mật và vững chắc để đảm bảo an toàn cho các cơ quan của Đảng, nhất là các đồng chí lãnh đạo để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân thù. Xuất phát từ yêu cầu đó, khu Các Chanh, thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân đã được chọn làm Khu căn cứ cách mạng lúc bấy giờ.

Từ khi được chọn, Khu căn cứ Cái Chanh đã trở thành căn cứ địa vững chắc của nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng. Từ năm 1949 đến năm 1952, nơi đây là căn cứ đóng của một số cơ quan thuộc Xứ ủy Nam bộ; là địa bàn hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như đồng chi Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ...

Từ năm 1950 – 1954, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ cũng đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Có thể nói, từ khi được chọn làm Khu căn cứ cho đến khi kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, Khu căn cứ Cái Chanh đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình, chở che và phát triển lực lượng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.

Nhà làm việc của cán bộ lãnh đạo

Từ ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 26/01/2011, Khu căn cứ Cái Chanh, huyện Hồng Dân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và gần 10 năm sau, ngày 31/12/2020, Khu căn cứ này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Khu Di tích Cái Chanh được xây dựng với kiến trúc vừa mang đậm tính lịch sử, văn hóa, vừa mang tính nghệ thuật khá độc đáo, nhằm đáp ứng yêu cầu không chỉ là Khu Di tích, mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu trong những năm tháng đấu tranh vô cùng gian lao, anh dung; đồng thời là “điểm đến” thu hút khách du lịch xa gần. Điểm nổi bật là nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật có liên quan đến khu căn cứ, về bố cục nội dung được chia ra làm 3 chủ đề chính, đó là: “Phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927”, Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ (1949 - 1952)” và “Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (1973 - 1975), với hơn 200 hình ảnh hoạt động và 3 tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, cùng nhiều hiện vật và tài liệu khoa học để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của người xem. Bên cạnh đó, còn có một số hạng mục công trình như phục hồi, tái tạo lại các ngôi nhà của người dân ở vùng quê sông nước Nam Bộ và một số phương tiện phục vụ cho làm việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày của các đồng chỉ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ..., nhằm giúp khách tham quan hình dung được điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục miền Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu và các cán bộ, chiến sĩ trong khu căn cứ, đã không ngại gian khổ hy sinh, kiên cường bám trụ để chiến đấu với kẻ thù, giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.

 

Các hiện vật đang được lưu giữ tại Khu di tích

Qua hành trình về nguồn lần này, tập thể người quản lý và người lao động tại Quỹ không chỉ được mở mang kiến thức, có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử của dân tộc, mà còn khơi dậy trong mỗi cán bộ Quỹ niềm tự hào dân tộc, hăng say lao động cống hiến nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ làm giàu cho đất nước để xứng đáng với truyền thống hào hùng và sự hy sinh anh dũng của những người đi trước. Đồng thời chuyến đi còn giúp Quỹ mở rộng mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương, tăng tình đoàn kết và sự thấu hiểu giữa các thành viên Quỹ.

Một hành trình đã khép lại nhưng niềm tự hào và những kỷ niệm thì còn mãi !
 
 

Các tin khác

Trang: