Tỉnh Bạc Liêu

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

    Bạc Liêu là một tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của tổ quốc Việt Nam. Tỉnh có chung địa giới nối tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang ở phía Tây Bắc, Sóc Trăng ở phía Đông Bắc, Cà Mau ở phía Tây Nam, phía Đông Nam giáp biển Đông. Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km với các biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng.

Diện tích tự nhiên 2.582,46 km2. Bạc Liêu có 5 huyện(Hoà Bình, Vĩnh lợi, Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải), thị xã Giá Rai  và thành phố Bạc Liêu - trung tâm hành chính của tỉnh.

2. Đặc điểm địa hình

    Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai.

3. Khí hậu.

     Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 - 2.300 mm. Nhiệt độ trung bình 260C, cao nhất 31,50C, thấp nhất 22,50C. Số giờ nắng trong năm 2.500 - 2.600 giờ. Độ ẩm trung bình mùa khô 80%, mùa mưa 85%. Vùng này ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt trong hệ thống sông Cửu Long, nhưng lại chịu tác động mạnh của thủy triều biển Đông và một phần chế độ nhật triều biển Tây.

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Tài nguyên đất

    Đất đai của tỉnh được chia thành nhiều nhóm: nhóm đất mặn chiếm 32,6%, nhóm đất phèn chiếm 59,9%, nhóm đất cát chiếm 0,18%, bãi bồi và đất khác chiếm 4,4%, sông rạch chiếm 2,9% quỹ đất. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 258.247 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 98.309 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản và đất muối có 120.714 ha; đất lâm nghiệp 4.832 ha; đất chuyên dùng 11.323 ha; đất ở 4.176 ha, còn lại là đất chưa sử dụng.
Đất có khả năng trồng lúa, màu và cây công nghiệp hàng năm, cây lâu năm là 98.295 ha, chiếm 38,1% tổng diện tích đất; đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối 125.546 ha, chiếm 48,62%. Phần lớn đất đai của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện.

2. Tài nguyên rừng

    Diện tích rừng chiếm 1,87% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (4.657 ha). Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn có năng suất sinh học cao, có giá trị lớn về phòng hộ và môi trường. Tập đoàn cây gồm chủ yếu là cây tràm, cây đước.

3. Tài nguyên biển

    Bờ biển dài 56km2, diện tích vùng biển 4 vạn km2. Động vật biển bao gồm 661 loài cá, 319 giống thuộc 138 họ, trong đó nhiều loài có trữ lượng và giá trị cao như tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường… Tôm biển có 33 loài khác nhau, có thể đánh bắt hơn 10.000 tấn/năm. Trữ lượng cá đáy và cá nổi hơn 100.000 tấn/năm, có thể trở thành nơi xuất nhập khẩu trực tiếp.

III. Tiềm năng kinh tế

1. Tiềm năng du lịch

  Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như vườn chim, vườn nhãn… đồng thời với những di tích lịch sử - văn hoá như: tháp cổ Vĩnh Hưng, Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hệ thống đình, chùa… Sự hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khơme.

 2. Những lợi thế kinh tế

    Với những lợi thế về thiên nhiên, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ tổng hợp, du lịch và giao thông, có ý nghĩa quan trọng tác động vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Bạc Liêu đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần nâng dần phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thuỷ sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước mắt là hoàn chỉnh việc xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.

Các tin khác

Trang: